XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Điệu vũ bên lề


Phan_7

Dì Helen của tôi uống rượu rất nhiều. Dì Helen của tôi dùng ma túy rất nhiều. Dì Helen của tôi có nhiều trắc trở với đàn ông. Dì là con người bất hạnh gần như trọn kiếp. Dì đi bệnh viện thường xuyên. Đủ loại bệnh viện hết. Sau cùng, dì đến một bệnh viện nọ, nơi giúp dì lấy lại đủ tỉnh táo để cố gắng xoay trở mọi thứ cho bình thường trở lại, thế rồi dì dọn về sống cùng nhà tôi. Dì bắt đầu đi học để tìm được việc làm tốt. Dì bảo tên đàn ông tồi tệ sau cùng mà dì qua lại để cho dì yên. Dì bắt đầu giảm cân mà không ăn kiêng. Dì chăm sóc nhà tôi, để ba mẹ tôi có thể đi chơi, uống rượu và chơi cờ. Dì để bọn tôi thức khuya. Dì là người duy nhất mua những hai món quà cho tôi, ngoại trừ mẹ, ba, anh và chị tôi. Một món mừng sinh nhật. Một món mừng Giáng sinh. Ngay cả khi dì đã dọn về ở với nhà tôi và không có tiền bạc gì. Dì luôn mua tặng tôi hai món quà. Đó là những món quà tuyệt nhất.

Vào ngày 24 tháng Mười Hai năm 1983, một cảnh sát gõ cửa nhà tôi. Dì Helen của tôi bị tai nạn thảm khốc. Tuyết rơi rất nhiều. Chú cảnh sát nói với mẹ tôi rằng dì Helen của tôi đã qua đời. Chú ấy là một người rất tử tế, vì khi mẹ tôi bắt đầu khóc, chú nói vụ tai nạn rất khủng khiếp, và chắc chắn dì Helen của tôi đã chết ngay tức thì. Nói cách khác, không đau đớn gì. Không còn đau đớn gì nữa.

Chú cảnh sát yêu cầu mẹ tôi xuống chỗ hiện trường và nhận diện thi thể. Ba tôi còn kẹt làm việc. Đó là lúc tôi bước lại cùng anh và chị tôi. Hôm đó là sinh nhật thứ bảy của tôi. Anh em tôi còn đội mũ dự tiệc. Mẹ tôi bắt anh chị tôi cùng đội những chiếc mũ đó. Chị tôi thấy mẹ khóc, nên hỏi có chuyện gì. Mẹ tôi không nói được gì cả. Chú cảnh sát quỳ một chân xuống và kể với bọn tôi chuyện đã xảy ra. Anh và chị tôi khóc. Nhưng tôi thì không. Tôi biết rằng chú cảnh sát đã nhầm.

Mẹ tôi bảo anh và chị tôi trông chừng tôi, rồi rời nhà với chú cảnh sát. Tôi nghĩ là mấy anh em xem tivi. Tôi không nhớ rõ lắm. Ba tôi về đến nhà trước mẹ.

“Sao mấy đứa mặt mũi chảy dài ra vậy kìa?”

Bọn tôi kể ba hay. Ba không khóc. Ông hỏi bọn tôi có ổn không. Anh và chị tôi bảo không ổn. Tôi bảo là ổn. Đơn giản là chú cảnh sát đã nhầm. Tuyết rơi nhiều mà. Rất có thể chú ấy không thấy gì. Mẹ tôi về nhà. Bà đang khóc. Bà nhìn ba tôi và gật đầu. Ba ôm lấy bà. Vậy là tôi hiểu ra chú cảnh sát không nhầm lẫn gì hết.

Thực sự là tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp đó, cũng chưa bao giờ hỏi lại gia đình. Tôi chỉ nhớ chuyện đi bệnh viện. Tôi nhớ lúc ngồi trong căn phòng có nhiều đèn sáng. Tôi nhớ một bác sĩ hỏi tôi nhiều câu hỏi. Tôi nhớ tôi kể với chú ấy dì Helen là người duy nhất ôm nựng tôi. Tôi nhớ lúc gặp nhà tôi ngày Giáng sinh, trong một căn phòng chờ. Tôi nhớ không được phép dự đám tang. Tôi nhớ là chưa bao giờ được nói lời vĩnh biệt với dì Helen.

Tôi không biết là đã phải đi gặp bác sĩ trong bao lâu. Tôi không nhớ họ không cho tôi đi học trong bao lâu. Rất lâu. Tôi chỉ biết thế. Ngày tôi bắt đầu khỏe lại chính là ngày tôi nhớ ra điều sau cùng dì Helen nói hôm ấy, trước khi bước ra xe lái đi trong tuyết.

Dì trùm người trong cái áo choàng. Tôi đưa chìa khóa xe cho dì, bởi tôi luôn là người tìm ra chìa khóa trước. Tôi hỏi dì Helen đi đâu. Dì bảo bí mật, không được hỏi. Tôi cứ làm nũng dì Helen, đòi biết, dì thích như thế. Dì thích tôi cứ hỏi dì hết câu này đến câu khác. Rồi rốt cuộc dì lắc đầu, mỉm cười, và thì thầm vào tai tôi.

“Dì đi mua quà sinh nhật cho con đó.”

Đó là lần cuối tôi nghe giọng nói của dì. Tôi thích nghĩ rằng dì Helen của tôi giờ đây đã có được việc làm tốt nhờ đi học. Tôi thích nghĩ rằng dì đã gặp một người đàn ông tốt. Tôi thích nghĩ rằng dì đã giảm được mớ cân nặng mà dì luôn muốn giảm mà không phải kiêng khem gì.

Bất kể mẹ, ba và bác sĩ cứ nhắc đi nhắc lại rằng không ai có lỗi, tôi không thể thôi nghĩ theo những gì mình biết. Và tôi biết rằng dì Helen vẫn còn sống đến giờ nếu hôm đó dì chỉ mua cho tôi một món quà bình thường như những người khác. Dì vẫn còn sống nếu như tôi chào đời vào một ngày không có tuyết rơi. Tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để tống khứ suy nghĩ này đi. Tôi nhớ dì khủng khiếp. Tôi phải dừng viết đây, thật buồn đau vô cùng.

Thương mến,

Charlie

Ngày 30 tháng Mười hai, 1991

Bạn thân mến,

Viết lá thư trước cho bạn xong, ngay ngày hôm sau, tôi đọc xong quyển Bắt trẻ đồng xanh. Cho tới giờ tôi đã kịp đọc lại nó ba lần. Tôi thực sự không biết làm gì hơn. Tối nay Sam và Patrick rốt cuộc sẽ về đến nhà, nhưng tôi sẽ không gặp họ được. Patrick sẽ gặp Brad, còn Sam tìm Craig. Ngày mai tôi sẽ gặp cả hai người ở quán Big Boy, sau đó là bữa tiệc mừng năm mới ở nhà Bob.

Điều lý thú là tôi sẽ tự lái xe tới quán Big Boy. Ba tôi bảo phải chờ trời bớt tuyết đã, và rốt cuộc hôm qua trời cũng quang quẻ ra một chút. Tôi ghi một băng nhạc làm kỷ niệm. Tựa đề cuộn băng là “Lần đầu lái xe”. Có lẽ có phần ủy mị quá, nhưng tôi thích nghĩ tới lúc về già, tôi sẽ có thể xem những cuộn băng này và nhớ lại những lần lái xe đầu tiên.

Lần đầu tôi tự lái là đi thăm dì Helen. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi thăm dì mà không có ai đi cùng, kể cả mẹ. Tôi gắng sao cho lần ấy được đặc biệt. Tôi mua hoa bằng tiền mừng Giáng sinh. Thậm chí tôi còn ghi tặng dì một băng nhạc và để nó bên mộ. Tôi mong bạn không thấy việc đó kỳ quặc.

Tôi kể với dì Helen của tôi mọi thứ trong đời. Chuyện về Sam và Patrick, về bè bạn của họ. Về bữa tiệc mừng năm mới đầu tiên của tôi vào ngày mai. Tôi kể với dì rằng anh tôi sẽ chơi trận bóng bầu dục cuối mùa vào ngày đầu năm mới. Tôi kể với dì chuyện anh tôi rời nhà đi học và mẹ tôi khóc buồn ra sao. Tôi kể với dì lúc bọn tôi cảm thấy vô tận. Tôi kể với dì về bài hát “Asleep”. Tôi kể với dì chuyện tôi thi lấy bằng lái xe. Rằng mẹ tôi lái xe đến đó ra sao, và tôi lái xe đưa mẹ về ra sao. Rằng bề ngoài cũng như cái tên của viên cảnh sát chấm thi không có gì kỳ quặc hay buồn cười gì cả, khiến tôi thấy như bị bịp vậy.

Khi tôi sắp từ biệt dì Helen để về, tôi khóc. Khóc thật sự. Không phải là cơn khóc hoảng loạn như tôi vẫn thường bị. Rồi tôi hứa với dì Helen rằng tôi chỉ khóc vì những điều quan trọng, bởi vì tôi ghét nghĩ rằng khóc nhiều như thế này sẽ khiến việc khóc thương dì Helen bớt giá trị đi.

Rồi tôi nói lời từ biệt, và lái xe về nhà.

Tôi đọc quyển sách lần nữa bởi vì tôi biết, tôi mà không đọc thì nhiều khả năng tôi sẽ lại khóc. Ý tôi là khóc hoảng ấy. Tôi đọc cho đến khi hoàn toàn kiệt sức và buộc phải ngủ. Sáng hôm sau, tôi đọc xong quyển sách và lập tức bắt đầu đọc lại lần nữa. Bất kỳ điều gì để át cảm giác muốn khóc. Bởi vì tôi đã hứa với dì Helen. Và bởi tôi không muốn bắt đầu nghĩ ngợi lung tung, giống lần cuối tuần trước. Tôi không thể lại suy nghĩ kiểu đó. Không bao giờ nữa.

Tôi không biết bạn có bao giờ cảm thấy như vậy chưa. Rằng bạn muốn ngủ một ngàn năm. Hoặc đơn giản là không hiện hữu. Hoặc đơn giản là không ý thức rằng bản thân đang hiện hữu. Hay điều gì đó tương tự. Tôi nghĩ ước muốn như vậy là không lành mạnh, nhưng tôi muốn vậy mỗi khi bị như bây giờ. Đó là lý do tôi cố không nghĩ. Tôi chỉ muốn đất trời ngừng lại. Nếu tình hình xấu hơn nữa, rất có thể tôi sẽ phải trở lại gặp bác sĩ. Chứng bệnh của tôi lại trở nặng rồi.

Thương mến,

Charlie

Ngày 1 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Bây giờ là 4 giờ sáng, tức là ngày đầu năm mới, mặc dù theo lý thì cho đến lúc mọi người đi ngủ nó vẫn còn là ngày 31 tháng Mười Hai. Tôi không ngủ được. Người ta đều đang ngủ, hoặc làm tình. Tôi thì xem truyền hình cáp và ăn thạch rau câu. Mọi thứ xung quanh cứ chập chờn chao đảo. Tôi những muốn kể với bạn về Sam và Patrick và Craig và Brad và Bob và mọi người, nhưng giờ tôi không nhớ được.

Ngoài kia đang yên bình. Tôi biết điều đó chứ. Lúc nãy tôi lái xe đến quán Big Boy. Rồi tôi thấy Sam cùng Patrick. Cùng Brad và Craig. Tôi rất buồn bởi chỉ muốn được ở riêng cùng họ. Trước đây tôi chưa khi nào có cảm giác đó.

Một giờ trước, mọi thứ còn tệ hơn bây giờ. Khi ấy tôi đang nhìn cái cây này, nhưng nó biến thành một con rồng, và rồi lại là một cái cây, và tôi nhớ cái ngày trời đẹp khi tôi là một phần của thinh không. Tôi nhớ là hôm ấy tôi cắt cỏ để kiếm tiền tiêu vặt, cũng như tôi đang xúc tuyết dọn lối đi để có tiền tiêu vặt bây giờ. Thế nên tôi bắt đầu xúc tuyết trên lối đi nhà Bob, làm việc ấy khi đang dự tiệc đêm trước thềm năm mới kể cũng lạ.

Cặp má tôi đỏ ửng vì lạnh, giống như gương mặt ngà ngà say của thầy Z, thầy ấy đi giày đen, tôi nhớ cả giọng nói của thầy khi kể con sâu bướm trải qua đau đớn thế nào khi kết kén, và tại làm sao người ta mất tới bảy năm mới tiêu hóa hết kẹo cao su lỡ nuốt phải. Rồi một đứa tên là Mark tới dự tiệc thình lình xuất hiện, nhìn lên trời và rủ tôi ngắm sao. Thế là tôi nhìn lên, thấy bọn tôi ở trong một vòm trời khổng lồ giống như quả cầu thủy tình đựng bông tuyết, rồi Mark bảo những ngôi sao sáng trưng màu trắng thực ra chỉ là những cái lỗ trong vòm thủy tinh tối đen, và khi ta lên thiên đàng, thủy tinh vỡ tan đi, và ở đó chẳng có gì ngoài một lớp sao trắng lóa nhưng lại không làm ta chói mắt. Không gian mênh mông, rộng mở, yên bình mà mong manh, giữa đó ta thấy mình thật nhỏ bé.

Đôi khi, tôi nhìn ra bên ngoài, nghĩ rằng nhiều người khác đã ngắm cảnh tuyết này trước đây. Đơn giản cũng như tôi nghĩ nhiều người khác đã đọc những quyển sách đó trước đây. Và đã nghe những bài hát ấy.

Đêm nay những người ấy cảm thấy thế nào?

Tôi thực sự không biết đang nói gì nữa. Rất có thể tôi không nên viết điều này ra, bởi tôi vẫn còn đang thấy mọi thứ chao đảo chập chờn. Tôi muốn chúng dừng lại, nhưng một vài giờ nữa chắc vẫn chưa xong đâu. Bob có nói thế trước khi hắn vào phòng ngủ của hắn cùng Jill, cô này tôi không quen.

Tất cả những điều tôi nói đây hẳn nghe thật quen thuộc. Không phải người khác thấy quen thuộc với cảm giác của tôi. Tôi chỉ biết chắc hẳn một đứa nào khác đã từng có trải nghiệm tương tự. Như lúc này, khi đất trời yên ả, và ta thấy mọi thứ cứ dịch chuyển dù ta không muốn, mọi người đều đã ngủ. Và mọi quyển sách ta đọc đã từng được người khác đọc. Mọi bài hát ta thích đã từng được người khác lắng nghe. Cô nàng ta thấy đáng yêu cũng thật đáng yêu trong mắt người khác. Nếu nhìn vào những điều thực tế đó khi trong lòng đang vui, ta sẽ cảm thấy thật là tuyệt diệu, bởi đó chính là “sự hòa hợp nhất trí”.

Giống như lúc ta đang thích một cô gái mà nhìn thấy một cặp nắm tay nhau, ta cũng thấy vui mừng cho họ. Nếu phải khi khác có thể cũng chính cặp đôi ấy làm ta phát bực. Thế là ta cứ muốn được mừng cho họ mãi thôi, bởi như thế cũng có nghĩa là ta đang hạnh phúc.

Tôi chỉ nhớ được cái gì thôi thúc tôi nghĩ tới những điều này. Tôi định viết ra, bởi nếu làm vậy thì may ra tôi sẽ không phải nghĩ về nó nữa. Và thôi buồn bực. Điều đáng nói là bây giờ tôi nghe thấy tiếng Sam và Craig ân ái, và lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được cái kết của bài thơ nọ.

Thật ra tôi không bao giờ muốn hiểu. Bạn nhất định phải tin thế nhé.

Thương mến,

Charlie

Phần 3

Ngày 4 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi xin lỗi về lá thư trước. Nói thật với bạn, tôi không rõ đã viết gì, nhưng tôi thức giấc chẳng nhẹ nhàng gì, vậy nhiều khả năng là thư đó không sáng sủa vui tươi cho lắm. Tất cả những gì tôi còn nhớ về đêm đó là tôi đi lùng khắp nhà tìm phong bì và tem. Khi đã tìm được rồi, tôi để địa chỉ của bạn, rồi bước xuống đồi, ngang qua rặng cây, tới chỗ bưu điện, bởi tôi biết rằng nếu không bỏ nó vào thùng thư mà tôi không thể mở ra lấy lại thì tôi sẽ không bao giờ gửi thư đi được.

Lúc ấy không hiểu sao chuyện đó lại có vẻ hệ trọng tới vậy, kể cũng lạ.

Khi tới bưu điện, tôi thả lá thư vào thùng thư. Có cảm giác chung cuộc. Và an bình. Rồi tôi bắt đầu nôn, nôn mãi cho tới khi mặt trời lên. Tôi nhìn con đường, thấy nhiều xe hơi, tôi biết rằng người ta đều đang đi về nhà ông bà của họ. Tôi biết nhiều người trong số đó sẽ xem anh tôi chơi bóng bầu dục ngày hôm nay. Đến đây thì đầu óc tôi bắt đầu nhảy lò cò.

Anh tôi… bóng bầu dục… Brad… Dave cùng ả bạn gái của hắn trong phòng tôi… áo khoác… trời lạnh… mùa đông… “Chiếc lá thu”… đừng kể với ai… thằng biến thái… Sam và Craig… Sam… Giáng Sinh… máy đánh chữ… món quà… dì Helen… hàng cây chao đảo… không ngừng chao đảo… thế là tôi nằm xuống đóng vai thiên thần tuyết.

Cảnh sát tìm thấy tôi, xanh tái, đang ngủ lịm.

Tôi cứ run cầm cập vì lạnh mãi một lúc lâu sau khi ba mẹ tôi đưa tôi từ phòng cấp cứu về nhà. Không có ai bị phiền hà gì, bởi những phen thế này từng xảy đến với tôi, hồi tôi còn nhỏ xíu, phải đi khám bác sĩ. Tôi đơn giản là đi lang thang rồi mất hút và ngã gục xuống, thiếp đi nơi nào đó. Ai cũng biết trước đó tôi đi dự tiệc, nhưng không có ai, kể cả chị tôi nghĩ rằng nguyên do là như vậy. Tôi không hé một lời, bởi tôi không muốn Sam hay Patrick hay Bob hay bất kỳ ai bị phiền. Nhưng trên hết, tôi không muốn thấy nét mặt của mẹ tôi và nhất là ba tôi nếu hai người nghe tôi kể sự thật.

Thế nên tôi không nói nửa lời.

Tôi chỉ im lặng, nhìn quanh. Và tôi để ý thấy nhiều thứ. Như mấy cái chấm trên trần nhà. Hay cái chăn người ta đưa cho tôi thật xù xì. Hay gương mặt thể hiện được đủ kiểu sắc thái của ông bác sĩ. Ông ta thì thầm mà nghe cứ rõ mồm một, rằng có lẽ tôi nên bắt đầu điều trị với chuyên gia tâm thần. Đó là lần đầu tiên một bác sĩ nói lời ấy với ba mẹ trước mặt tôi. Cái áo choàng của ông ta sao mà trắng toát. Tôi thấy mệt ghê gớm.

Cả ngày dài, tôi chỉ nghĩ được mỗi một chuyện là tại tôi mà cả nhà lỡ mất trận đấu bóng bầu dục của anh tôi, mong chị tôi nhớ thu băng trận đấu.

May là chị ấy nhớ thật.

Về tới nhà, mẹ pha cho tôi chút trà, ba hỏi tôi có muốn ngồi xem trận đấu không, tôi đáp có. Mọi người ngồi xem anh tôi chơi thật hay, nhưng lần này, không có ai thực sự hoan hỉ. Mọi con mắt đều dồn lên tôi. Rồi mẹ nói nhiều lời động viên, rằng năm học này tôi học tốt quá, và có lẽ ông chuyên gia sẽ giúp tôi bình phục. Mẹ tôi có thể nói chuyện mà vẫn giữ vẻ trầm ổn khi mẹ tỏ ra tích cực. Ba cứ liên tục “vỗ yêu” tôi. Vỗ yêu tức là vỗ nhẹ vào đầu gối, vai và cánh tay để động viên. Chị thì tình nguyện giúp tôi chải sửa tóc tai cho ổn. Cả nhà bày tỏ sự quan tâm tràn trề như thế làm tôi cứ thấy sao sao ấy.

“Ý chị là sao? Tóc em bị gì à?”

Chị tôi lúng túng, dợm nhìn quanh. Tôi đưa tay lên đầu, nhận ra khá nhiều tóc đã biến mất. Thực sự tôi không nhớ tôi cắt hồi nào, nhưng cứ xét tình hình hiện tại thì tôi hẳn đã chụp lấy cây kéo rồi cắt loạn xạ. Mái tóc lõm từng mảng lớn như khoét. Khi dự tiệc tôi không soi gương, bởi sợ cái vẻ mặt khác thường của chính tôi. Nếu không thì tôi đã phát hiện ra.

Chị giúp tôi tỉa cao lên một chút, cũng may là mọi người ở trường, kể cả Sam và Patrick đều nghĩ tóc mới của tôi trông ngầu.

“Chuẩn” là từ của Patrick.

Dù vậy, tôi quyết định không bao giờ chơi LSD nữa.

Thương mến,

Charlie

Ngày 14 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi cảm thấy giống như kẻ lừa đảo, bố tôi đang gắng ổn định lại nếp sống như trước, không ai hay biết gì cả. Thật khó ngồi yên đọc sách trong phòng ngủ như trước. Thậm chí nói chuyện với anh tôi trên điện thoại cũng khó. Đội bóng của anh thắng giải ba toàn quốc. Không ai kể với anh rằng cả nhà bỏ lỡ trận đấu vì tôi.

Tôi đi thư viện mượn một cuốn sách vì tôi bắt đầu thấy sợ. Thi thoảng mọi thứ lại bắt đầu chao đảo, mọi âm thanh trở nên trầm mà rỗng. Tôi không thể tập trung suy nghĩ điều gì cụ thể. Quyển sách nói có người dùng LSD đôi lần rồi không dứt hẳn thói đó được. Tác giả nói nó tăng một loại chất truyền xung não. Nói đơn giản thì thứ đó gây cho ta những triệu chứng như tâm thần phân liệt trong mười hai tiếng đồng hồ tiếp theo, và nếu ta tiết ra quá nhiều chất truyền xung não này, ta không dứt khỏi nó được.

Tôi bắt đầu thở dốc trong thư viện. Thật kinh khủng, tôi từng thấy vài đứa tâm thần phân liệt trong bệnh viện lúc tôi còn nhỏ. Thêm một chuyện tệ hại nữa là hôm qua tôi để ý thấy ai cũng mặc đồ Giáng Sinh mới cáu, nên sáng nay tôi quyết định mặc bộ vét mới Patrick tặng để đi học, để rồi bị cười nhạo tàn nhẫn suốt chín tiếng đồng hồ. Một ngày thật khốn khổ. Lần đầu tôi cúp học ra ngoài gặp Sam với Patrick.

“Trông bảnh đó, Charlie,” Patrick nói, cười toét.

“Tôi làm một điếu thuốc được không?” Tôi không thể nói “đốt khói” được. Lần đầu tiên mà. Đơn giản là tôi không thể.

“Được chứ,” Patrick đáp.

Sam ngăn cậu ấy lại.

“Có chuyện gì vậy, Charlie?”

Tôi kể chuyện cho hai người nghe, thế là Patrick cứ hỏi đi hỏi lại tôi bị “hoang tưởn” hay sao.

“Không, không phải như vậy.” Tôi phát bực.

Sam vòng tay ôm vai tôi, an ủi là cô ấy biết tôi đang thấy thế nào. Nói tôi đừng lo lắng. Một khi đã chơi thuốc, ta chỉ nhớ những gì ta thấy lúc đó thôi. Chỉ có vậy. Kiểu như đường sá biến thành sóng lượn, gương mặt trở nên méo mó và hai mắt bên to bên nhỏ. Chỉ là ký ức trong tâm trí thôi.

Rồi cô ấy đưa tôi điếu thuốc.

Khi bập để châm thuốc, tôi không ho. Thực ra tôi thấy dễ chịu. Tôi biết theo sách vở thì hút thuốc có hại, nhưng đúng là dễ chịu.

“Giờ tập trung nhìn khói thuốc nhé,” Sam nói.

Thế là tôi chăm chăm nhìn khói.

“Giờ thì bình thường rồi chứ?”

“À ha,” tôi mơ hồ lên tiếng.

“Giờ nhìn nền xi măng cái sân chơi đằng kia, có chao đảo không?”

“À ha.”

“Được rồi… Giờ nhìn kỹ mảnh giấy nằm trên đất kia.”

Rồi tôi nhìn kỹ mảnh giấy nằm trên đất.

“Giờ thì nền xi măng có chênh chao không?”

“Không có.”

Thế rồi Sam trấn an tôi, nói là tôi sẽ ổn thôi, nói thôi tôi đừng bao giờ chơi thuốc nữa. Sam còn giải thích thêm cảm giác gọi là “xuất thần”. Tình trạng xuất thần xảy ra khi ta không tập trung vào bất kỳ thứ gì, và ngoại giới hớp lấy, xoay đảo xung quanh ta. Cô ấy bảo “xoay đảo” là nói theo nghĩa bóng thôi, nhưng những người không bao giờ nên chơi thuốc lần nữa thì phải hiểu theo nghĩa đen.

Tôi bật cười to. Nhẹ cả lòng. Sam và Patrick cũng mỉm cười. Tôi thấy vui thêm, bởi nhìn vẻ mặt quá lo lắng của họ thật không chịu nổi.

Vậy là hầu hết mọi thứ đã thôi chao đảo kể từ đó. Tôi không cúp tiết học nào nữa. Cũng đã hết cảm giác như kẻ lừa bịp vì gắng ổn định cuộc sống như trước. Thầy Bill khen bài luận của tôi về quyển Bắt trẻ đồng xanh (được gõ bằng cái máy đánh chữ cũ mà mới của tôi!) là bài khá nhất tôi từng viết. Thầy bảo tôi đang “tiến bộ” một cách nhanh chóng và đưa tôi một loại sách khác như một “phần thưởng”. Đó là cuốn Trên đường của Jack Kerouac.

Bây giờ tôi hút chừng mười điếu mỗi ngày.

Thương mến,

Charlie

Ngày 25 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi cảm thấy thật tuyệt vời! Thật đó. Tôi phải nhớ cảm giác này để dành cho lần tới, lúc tôi lại có một tuần tồi tệ. Bạn có bao giờ làm vậy chưa? Bạn cảm thấy buồn thật buồn, và rồi tự nhiên hết buồn mà không hiểu tại sao. Tôi cứ tự nhủ rằng cứ sau khi thấy tuyệt vời như thế này thì có thể một tuần tệ hại khác lại đến, thế nên tôi nên gom góp càng nhiều chi tiết vui vẻ càng tốt, để khi cái tuần tệ hại ấy đến thật, tôi có thể bíu vào những chi tiết đó để tin rằng tôi sẽ lại vui. Cách này không ích lợi lắm, nhưng tôi nghĩ cứ thử qua cũng rất quan trọng.

Chuyên gia tâm thần điều trị cho tôi là một chú rất tốt. Chú ấy giỏi hơn ông chuyên gia kỳ trước nhiều. Chú ấy hỏi tôi cảm thấy, suy nghĩ và nhớ những gì. Như là lúc tôi còn nhỏ, có một lần nọ tôi xuống phố đi quanh khu nhà. Tôi trần như nhộng, tay cầm một cây dù xanh dương, mặc dù trời không mưa gì cả. Lúc ấy tôi vui vì cảnh đó làm mẹ tôi cười. Mà mẹ thì ít cười lắm. Nên mẹ chụp một bức ảnh. Rồi mấy người hàng xóm phàn nàn.

Một lần khác, tôi xem đoạn quảng cáo cho bộ phim về một người đàn ông bị buộc tội sát nhân, nhưng ông ấy không phạm tội này. Một diễn viên trong bộ phim M*A*S*H đóng vai chính trong phim này. Rất có thể đó là lý do tôi nhớ được. Đoạn quảng cáo nói rằng toàn bộ phim xoay quanh việc nghi phạm cố gắng chứng minh ông ấy vô tội nhưng nhiều khả năng ông ấy vẫn bị tống vào tù. Chuyện ấy làm tôi rất sợ. Sợ thật là sợ. Bị trừng phạt vì một điều gì đó mà ta không làm. Hoặc trở thành một nạn nhân vô tội. Nó là thứ tôi không bao giờ muốn nếm trải.

Tôi không biết những chuyện thế này có đáng kể với bạn không, nhưng lúc khám bệnh, tôi có cảm giác như “đột phá”.

Điều hay nhất ở chú chuyên gia là chú ấy có nhiều tạp chí âm nhạc trong phòng đợi. Một lần đi khám, tôi đọc được bài về ban nhạc Nirvana, một bài tử tế không nhắc bất cứ gì liên quan tới xốt mù tạt mật ong hay rau diếp. Dù vậy, tác giả cứ nhắc suốt về chứng bệnh dạ dày của anh ca sĩ. Kỳ thật.

Như tôi kể với bạn, Sam cùng Patrick thích nhiều bài hát của nhóm nhạc này, nên tôi nghĩ cần đọc bài báo nọ để biết thêm mà chuyện trò với hai người. Cuối bài, tác giả so sánh ca sĩ của nhóm với John Lennon của Beatles. Sau này tôi kể chi tiết ấy với Sam, thế là cô ấy nổi cáu ghê lắm. Cô ấy bảo nếu có so thì so với Jim Morrison còn khả dĩ, nhưng thực sự anh ấy không giống ai hết, là độc nhất vô nhị. Bọn tôi ở quán Big Boy sau sô diễn Rocky Horror, và câu chuyện ấy khơi mào một cuộc thảo luận sôi nổi.

Craig bảo rắc rối xảy ra khi mọi người lúc nào cũng so sánh người này với người kia, chuyện này là người ta bị hạ thấp giá trị, giống như trong khóa học nhiếp ảnh của hắn.

Bob thì bảo mọi chuyện là do các ông bố bà mẹ của bọn tôi không muốn xa rời thời thanh xuân của họ, và họ sẽ đau lòng khi không cảm thấy kết nối được với thế hệ bây giờ.

Patrick bảo vấn đề ở chỗ mọi thứ đều đã hiện hữu rồi, người ta khó mà khai phá được điều gì mới. Không ai có thể thành danh được như ban nhạc Beatles, bởi chính Beatles đã trở thành một cái “phông nền” để so sánh. Họ nổi tiếng đến vậy là vì họ không có ai để mà so sánh cả, nên giới hạn là vô tận.

Sam chêm vào là bây giờ ban nhạc hay ca sĩ này nọ cứ ra hai album là tự so họ với Beatles, rồi từ đó trở đi cá tính âm nhạc của họ nhòa nhạt hẳn.

“Cậu nghĩ sao, Charlie?”

Tôi không nhớ được là nghe hay đọc chuyện này ở đâu. Tôi nói rằng có thể nó nằm trong quyển Bên này thiên đường của F. Scott Fitzgerald. Có một đoạn gần cuối sách, cậu nhân vật chính gặp được một ông già. Hai người cùng đi xem trận bóng mừng cựu sinh viên các trường thuộc Liên đoàn Ivy, họ tranh luận với nhau chuyện này. Ông già là kẻ thành đạt. Còn cuộc đời cậu trai trẻ chỉ có thể diễn tả bằng từ “tan nát”.

Cái chính là họ tranh luận với nhau, cậu trai là người theo chủ nghĩa lý tưởng kiểu đương đại. Cậu nói về “thế hệ không ngừng nghỉ” của tôi, đại loại thế. Rồi cậu nói đại khái, “Thời đại này không phải thời của các anh hùng, bởi không ai để cho sự tích anh hùng xuất hiện.” Bối cảnh trong sách là những năm 1920, thật tuyệt, bởi đoạn đối thoại như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong quán Big Boy. Rất có thể thời ông bà chúng ta đã nói chuyện như thế. Và rất có thể chuyện ấy lặp lại với bọn tôi ở thời điểm hiện tại.

Thế nên tôi nghĩ báo chí gắng đẩy anh ca sĩ thành người hùng, nhưng sau lại có ai đó bới móc được chuyện gì khiến hình tượng anh ta xấu đi. Không hiểu sao phải làm thế nhỉ, anh ta chỉ là người viết ra nhiều ca khúc được đông đảo người nghe ưa thích, như vậy chẳng phải đã đủ lắm rồi hay sao. Có thể tôi sai, nhưng mọi người ngồi bên bàn bắt đầu bàn tán về chuyện đó.

Sam đổ lỗi cho truyền hình. Patrick trách chính phủ. Craig thì phê phán các “tập đoàn truyền thông.” Bob thì bỏ đi vệ sinh.

Tôi không biết nói chuyện kiểu này gọi là gì, và hẳn là nói suông thế không đạt được gì hết, nhưng thật hay khi ngồi cùng nhau mà bàn luận vai trò của chúng ta trong mọi chuyện. Như lúc thầy Bill dặn tôi hãy cố “nhập cuộc.” Tôi có đi dự buổi dạ vũ mừng cựu sinh viên như từng kể với bạn, nhưng nói chuyện thế này thì vui hơn. Nhất là khi nghĩ rằng mọi người trên khắp thế giới từng có những cuộc trò chuyện ở những nơi giống như quán Big Boy.

Tôi định chia sẻ cho mọi người cùng bàn ý nghĩ ấy, nhưng họ đang hào hứng chê bai nên thôi không làm họ mất hứng. Vậy là tôi chỉ ngồi lùi ra sau một chút, ngắm Sam ngồi cạnh bên Craig, cố kiềm nỗi chạnh lòng. Phải nói rằng tôi làm chuyện ấy không giỏi lắm. Nhưng một lúc sau, khi Craig đang nói gì đó, Sam quay sang cười với tôi. Một nụ cười như trong phim quay chậm, thế là tôi thấy mọi việc ổn cả.

Tôi kể chuyện này cho chuyên gia tâm thần nghe, nhưng chú ấy bảo bây giờ kết luận ngay thì còn quá sớm.

Tôi không biết nữa. Tôi vừa có một ngày tuyệt vời. Mong rằng bạn cũng như thế.

Thương mến,

Charlie

Ngày 2 tháng Hai, 1992

Bạn thân mến,

Trên đường là một quyển sách hay. Thầy Bill không bảo tôi viết bài luận về nó, vì đó là một “phần thưởng” như tôi đã kể. Tuy vậy thầy gọi tôi vào văn phòng của thầy sau giờ học để bàn về nó, thế là tôi vào. Thầy pha trà mời tôi, làm tôi cảm thấy người lớn hẳn ra. Thậm chí thầy còn cho tôi hút một điếu trong văn phòng, nhưng đồng thời cũng khuyên tôi bỏ thuốc cho mau vì thuốc hại sức khỏe. Thầy đưa cho tôi một tờ rơi trên bàn của thầy. Giờ tôi dùng nó làm cái đánh dấu trang.

Tôi cứ ngỡ thầy Bill cùng tôi sắp bàn về quyển sách, nhưng hai thầy trò rốt cuộc chỉ tán “chuyện đời”. Thật tuyệt được ngồi nói miên man hết chuyện này đến chuyện khác. Thầy hỏi tôi về Sam và Patrick, về ba mẹ tôi, và tôi kể với thầy chuyện thi lấy bằng lái xe, và hôm cả bọn nói chuyện ở quán Big Boy. Tôi cũng kể với thầy về chuyên gia điều trị của tôi. Tôi không kể với thầy về bữa tiệc, hay chị tôi cùng bạn trai chị. Họ vẫn còn lén lút gặp nhau, theo lời chị như thế càng “thêm phần say đắm”.

Sau khi tôi kể đủ chuyện về tôi cho thầy Bill, tôi hỏi đến chuyện của thầy. Cũng dễ chịu, vì thầy không cố ra vẻ tự mãn hay so sánh với tôi gì hết. Thầy đơn giản kể chuyện thôi. Thầy đã học chương trình cử nhân ở đại học nào đó ở miền Tây, họ không cho điểm xếp hạng học lực, lạ thật, nhưng thầy Bill bảo đó là nơi giảng dạy tốt nhất mà thầy từng được học. Thầy còn nói là sẽ đưa cho tôi tờ rơi về trường đó khi tới lúc.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .